Tối ưu nguồn nhân lực nội tại, năm 2019 nhóm kỹ sư Công ty Đường ống khí Nam Côn Sơn (NCSP) đã đưa ra giải pháp “Nâng cấp hệ thống điều khiển hiện hữu để đưa dự án Điểm giao nhận khí Số 2 vào hoạt động” đem lại hiệu quả kinh tế cao, vinh dự được tuyên dương Công trình thanh niên cấp Đoàn khối Doanh nghiệp Trung ương và được công nhận sáng kiến đạt loại Đặc biệt (loại A) cấp Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN).
Dự án Điểm giao nhận khí Số 2 là dự án trích xuất khí ẩm từ Slug Catcher – đầu vào của Nhà máy Xử lý khí Nam Côn Sơn (Nhà máy NCS) sang Nhà máy Xử lý khí Dinh Cố (GPP Dinh Cố) trước tình hình suy giảm của nguồn khí Bạch Hổ sau nhiều năm khai thác. Nâng cấp hệ thống điều khiển hiện hữu là một trong những mắt xích quan trọng của toàn bộ dự án. Để thực hiện việc này, ban đầu NCSP có kế hoạch thuê chuyên gia nước ngoài. Tuy nhiên, do yêu cầu về tiến độ và các đặc thù riêng của dự án khi phải đấu nối, lập trình, thử chức năng trên hệ thống điều khiển của Nhà máy đang vận hành, nếu thuê chuyên gia nước ngoài thì rất khó khăn cho việc điều động, phối hợp và chi phí rất cao. Xuất phát từ những trở ngại trên, cùng với yêu cầu cần tiết giảm chi phí đầu tư cho dự án đến mức thấp nhất, đồng thời nâng cao khả năng tự tìm tòi, nghiên cứu và cũng để hiểu chuyên sâu hơn về cấu hình hệ thống nhằm phục vụ tốt hơn cho công tác bảo dưỡng, cải hoán sau này. Nhóm tác giả là những cán bộ, kĩ sư Điện – Tự động hóa thuộc phòng Kỹ thuật bảo dưỡng NSCP gồm: Trần Quang Vũ, Phạm Nghiêm Việt, Đinh Tiến Định đã nghiên cứu và trình lên cấp lãnh đạo về giải pháp “Nâng cấp hệ thống điều khiển hiện hữu để đưa dự án Điểm giao nhận khí Số 2 vào hoạt động”.
Nhóm tác giả
Xác định đây là hạng mục hết sức quan trọng, cần thiết cho việc điều khiển, giám sát và bảo vệ (nhiệt độ, mực lỏng, áp suất, lưu lượng) dây chuyền cấp bù khí ẩm từ Nhà máy NCS sang GPP Dinh Cố. Các kĩ sư đã dày công nghiên cứu và xem đó là sứ mệnh cần phải hoàn thành gấp rút.
Nhờ vào kinh nghiệm làm việc nhiều năm với hệ thống và kiến thức chuyên môn sâu, sự tự tin, bản lĩnh, tay nghề vững vàng, nhóm tác giả đã nỗ lực nghiên cứu và tư vấn toàn bộ về thiết kế, điều khiển, vận hành của dây chuyền cấp bù khí ẩm, đồng thời tận tay thực hiện việc lập trình logic điều khiển; giám sát và bảo vệ dừng khẩn cấp (ESD); hệ thống báo cháy khí rò (fire&Gas); đấu nối tín hiệu trong tủ điều khiển; thực hiện kết nối (Ties-in); chạy thử (Commissioning) và đưa dây chuyền cấp bù khí ẩm vào vận hành an toàn, tối ưu trước tiến độ. Và điều đặc biệt quan trọng là vẫn đảm bảo nhà máy NCSP duy trì hoạt động liên tục 24/7.
Được sự tin tưởng, động viên của ban lãnh đạo NCSP và sự hỗ trợ của đoàn thể, nhóm tác giả đã hoàn thành xuất sắc giải pháp. Giờ đây, giải pháp cải hoán thành công, đáp ứng tốt các yêu cầu của dự án; giúp duy trì và đảm bảo các thiết bị, hệ thống tự động hóa hoạt động ổn định cao, đóng góp lớn vào nâng cao độ ổn dịnh và tin cậy (trên 99,9%) của toàn nhà máy.
Thông qua việc ứng dụng giải pháp nâng cấp hệ thống điều khiển hiện hữu để đưa dự án Điểm giao nhận khí Số 2 vào hoạt động, NCSP đã góp phần giúp ổn định nguồn cung cấp điện cho toàn miền Nam, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Giải pháp này không những mang lại hiệu quả kinh tế cao như tiết giảm chi phí cho Tổng Công ty Khí Việt Nam hàng chục tỉ đồng từ việc cắt giảm chi phí khi thuê chuyên gia nước ngoài, mà còn giúp chủ động trong tiến độ, đưa dự án vào vận hành sớm hơn dự kiến, qua đó tăng doanh thu và lợi ích kinh tế hàng triệu USD cho chính công ty và đối tác. Giải pháp còn có khả năng áp dụng rộng rãi tới các đơn vị thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và trong các công trình dầu khí.
Đại diện nhóm tác giả, kĩ sư Trần Quang Vũ chia sẻ: “Chính sự động viên, khuyến khích và tạo điều kiện tối đa từ ban lãnh đạo công ty kết hợp với sự nhiệt huyết, tận tâm, chuyên nghiệp của đội ngũ anh em kĩ thuật là chìa khóa thành công của dự án, qua đó đã góp phần đẩy mạnh phong trào thi đua cải tiến, hợp lí hóa sản xuất trong nội bộ của NCSP cũng như trong toàn ngành Dầu khí”. Thành công này minh chứng cho tiềm lực của các kĩ sư Điện – Tự động hóa của ngành dầu khí cũng như của NCSP.
Việc thực hiện và hoàn thành dự án từ nguồn lực nội bộ đã được cấp lãnh đạo (NCSP, PetroVietnam Gas và PVN) đánh giá cao về năng lực chuyên môn lẫn lợi ích kinh tế thiết thực nên giải pháp đã được công nhận là sáng kiến cấp 1 của Tổng Công ty Khí Việt Nam (PV GAS), sáng kiến loại A cấp PVN và được giải thưởng Công trình thanh niên cấp Đoàn khối Doanh nghiệp Trung ương.
Các giải thưởng đạt được không những là nguồn khích lệ động viên nhóm tác giả mà qua đó còn chứng tỏ năng lực chuyên môn cao, sự đoàn kết, nhiệt huyết của tuổi trẻ. Mặc dù tuổi đời còn trẻ nhưng họ đã không ngại khó, ngại khổ, lăn xả với đam mê, trách nhiệm với công việc được giao. Mỗi cá nhân luôn có tinh thần tự học tập nâng cao trình độ chuyên môn đáp ứng các tiêu chuẩn trong công tác xây dựng và vận hành nhà máy.
Các tác giả chia sẻ, giải thưởng này là vinh dự lớn lao, là thành quả của cả tập thể nhất là do được sống và làm việc trong một môi trường năng động sáng tạo, chuyên nghiệp, được tiếp xúc với nhiều đồng nghiệp giỏi chuyên môn, nhiệt huyết. Cộng đồng đó là cộng đồng tuổi trẻ Dầu khí. Tuổi trẻ ngành Dầu khí là tuổi trẻ của những đam mê, của khát khao cháy bỏng để chung tay cho sự phát triển của NCSP nói riêng cũng như của ngành nói chung.