Ngày 18/06, tại Hà Nội, Viện nghiên cứu chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh tổ chức Diễn đàn “Đổi mới và Phát triển Doanh nghiệp”. Diễn đàn góp phần tạo không gian để các diễn giả đã đưa ra nhiều ý kiến đa chiều, thảo luận về tình hình phát triển doanh nghiệp tại Việt Nam hiện nay.
Chương trình có sự tham gia đồng hành của: Tổng công ty Khí Việt Nam – CTCP (PV GAS), Công ty Cổ phần phân bón Dầu khí Cà Mau (PVCFC), Công ty Khí Miền Nam (PV Gas South).
Tham dự Diễn đàn có TS Hồ Sỹ Hùng – Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại Doanh nghiệp; PGS.TS Nguyễn Văn Nam – Chủ tịch Hội đồng viện nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và cạnh tranh, TS Võ Trí Thành – Viện trưởng viện nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và cạnh tranh, TS Nguyễn Quân – Nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và công nghệ Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội tự động hóa Việt Nam,… cùng hơn 300 đại biểu đến từ các cơ quan, tổ chức doanh nghiệp và cơ quan thông tấn, báo chí.
Tại Diễn đàn, các diễn giả và khách mời đã cùng nhau thảo luận, phân tích nhiều nội dung, mang lại bức tranh toàn cảnh về phát triển doanh nghiệp; thực trạng đổi mới và phát triển doanh nghiệp ở Việt Nam trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ tư; chỉ ra những cơ hội và thách thức đối với doanh nghiệp trong nền kinh tế mới; làm rõ ảnh hưởng của chính sách và môi trường kinh doanh đến phát triển của doanh nghiệp.
Diễn đàn tập trung thảo luận về 2 nhóm chủ đề chính, gồm: “Chính sách hỗ trợ đổi mới và phát triển doanh nghiệp” và “Phát triển doanh nghiệp trong nền kinh tế số”.
Chính sách hỗ trợ đổi mới và phát triển doanh nghiệp
Ông Nguyễn Hoa Cương, Phó Cục trưởng Cục phát triển doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và đầu tư) nhận định về tình hình đổi mới và phát triển doanh nghiệp: “Năm 2018, số lượng doanh nghiệp thành lập mới và số vốn đạt cao nhất trong lịch sử với 131.275 doanh nghiệp thành lập mới, số vốn đăng ký là 1.478.101 tỷ đồng. Xu hướng năm 2019 sẽ có số lượng doanh nghiệp đăng ký mới tăng nhẹ, thu hút vốn FDI khó có khả năng tăng mạnh do sự cạnh tranh gay gắt trong khu vực và mục tiêu đến hết năm 2020 cả nước chỉ còn hơn 200 doanh nghiệp 100% vốn nhà nước. Để đẩy mạnh đổi mới và phát triển doanh nghiệp, thời gian tới chúng ta cần hoàn thiện các cơ chế chính sách, chủ trương và hoàn thiện hệ thống pháp luật về doanh nghiệp, tạo điều kiện phát triển cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa”.
Bà Nguyễn Thy Nga, Giám đốc V-startup Việt Nam cũng cho rằng chính sách và môi trường kinh doanh ảnh hưởng rất lớn tới sự đổi mới và phát triển của doanh nghiệp. Có nhiều vấn đề vướng mắc đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa, nhất là với các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo. Đó là khả năng tiếp cận vốn, thủ tục tài chính thuế, đầu tư nước ngoài còn nhiều rào cản và khu vực ngân hàng còn rất chặt chẽ, khó khăn trong việc cấp tín dụng,…
Tại diễn đàn, nhiều chuyên gia và đại diện các bộ, ngành đã đề xuất một số giải pháp hỗ trợ đổi mới và phát triển doanh nghiệp.
Theo đó, hoạt động cải cách chính sách để thúc đẩy phát triển khu vực tư nhân trong nước cần phải xúc tiến thực hiện mạnh mẽ hơn. Cần tập trung vào việc áp dụng thông lệ quốc tế tốt nhất trong quản trị cho doanh nghiệp Nhà nước; đồng thời tăng cường cổ phần hoá và thoái vốn.
Thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài cũng cần chuyển từ số lượng sang chất lượng, tập trung đầu tư công nghệ cao và có giá trị gia tăng lớn, cần khai thác hiệu quả hơn mối liên kết chặt chẽ giữa các doanh nghiệp trong và ngoài nước để góp phần giúp khu vực tư nhân trong nước tham gia hiệu quả vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Đổi mới và phát triển doanh nghiệp trong nền kinh tế số
Theo PGS. TS. Hồ Sỹ Hùng, Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, khả năng thích ứng với nền kinh tế của doanh nghiệp Việt Nam còn hạn chế, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Khu vực doanh nghiệp này cũng đang gặp khó khăn khi muốn mở rộng kinh doanh thông qua nền kinh tế số do những phiền toái, trở ngại về truy cập internet. Một trong những rào cản lớn là sự thiếu am hiểu về tính an toàn và bảo mật thông tin cá nhân, việc giải quyết các vấn đề tiến công qua mạng khi hệ thống hạ tầng kỹ thuật, trình độ công nghệ, kiến thức cơ bản về phát triển trực tuyến còn nhiều hạn chế,… Những điều này là vấn đề lớn cản trở công cuộc đổi mới và phát triển doanh nghiệp trong nền kinh tế số.
Với tốc độ phát triển công nghệ như vũ bão hiện nay, trong tương lai rất có thể sẽ xuất hiện thêm những mô hình mới tiên tiến hơn. Do đó, theo các chuyên gia, doanh nghiệp Việt Nam cần hướng tới sự phát triển bền vững và tự chủ, không để phụ thuộc hoàn toàn vào bên ngoài hay chỉ một nhân tố duy nhất là công nghệ số. Các doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động đầu tư cải tiến công nghệ, nghiên cứu, học hỏi và ứng dụng những mô hình, phương thức kinh doanh mới, “bài trừ” những yếu tố lạc hậu hay không còn phù hợp để phát triển nhanh hơn.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp Việt Nam cũng cần nghiên cứu một cách bài bản, nắm bắt nhu cầu của khách hàng để nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ. Chỉ cần có thêm sự chủ động, các doanh nghiệp với nhiều tiềm lực sẽ có cơ hội trở thành “đầu tàu” dẫn dắt công cuộc số hóa trong nền kinh tế quốc gia.