Với việc tiên phong nhập khẩu chuyến tàu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) lịch sử, Tổng công ty Khí Việt Nam (PV GAS) đã chính thức đưa cái tên Việt Nam hòa mình vào xu hướng LNG của thế giới.
Trong những ngày qua, rất nhiều chuyên gia năng lượng thế giới đều đã nhận định Việt Nam đang trên đà trở thành “người chơi lớn” trên thị trường LNG toàn cầu, bất chấp những dự đoán và những nghi ngại do rào cản về giá cả, cũng như khả năng ký hợp đồng mua bán dài hạn.
Tập đoàn năng lượng khổng lồ Shell cũng cho biết họ đã chứng kiến “sự tăng trưởng vượt bậc” trên thị trường LNG trong 2 tháng qua và nhấn mạnh có 3 quốc gia là động lực chính cho sự tăng trưởng này, trong đó có Việt Nam. Trong khi, hãng tin Sputnik của Nga cũng cho rằng Việt Nam đang trở thành thị trường màu mỡ và đầy tiềm năng cho các nhà cung cấp khí. Hiện tại, ít nhất 2 tập đoàn lớn, bao gồm NOVATEK và ExxonMobil đã làm việc với PetroVietnam Gas để tìm kiếm cơ hội cung cấp LNG cho Việt Nam.
Đáng nói, trong quá trình trở thành nhà nhập khẩu LNG lớn, nhu cầu ngày càng tăng của Việt Nam về khí hóa lỏng có thể trở thành yếu tố thúc đẩy hoặc củng cố cơ cấu giá của LNG trong các khung thời gian khác nhau.
Cụ thể, trong ngắn hạn, sự tập trung trước mắt của Việt Nam vào LNG phần nào phản ánh nhu cầu đối với loại khí này đang gia tăng đáng kể trên toàn cầu. Dự kiến tới năm 2030, LNG sẽ chiếm một phần đáng kể trong chương trình năng lượng của Việt Nam và thay đổi này có thể đẩy giá LNG tăng cao.
Có thể thấy, Việt Nam đang được đánh giá rất cao, thậm chí có thể làm nên nhiều thay đổi, hay nói cách khác “khuấy động” thị trường LNG thế giới.
Các nhận định này bắt nguồn từ Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII) và đặc biệt là từ động thái nhập chuyến hàng LNG lịch sử đầu tiên của PV GAS.
Theo đó, Quy hoạch điện VIII đã xác định nguồn nhiệt điện khí tái hóa từ LNG (hay gọi tắt là “khí LNG”) chiếm tỷ trọng khoảng hơn 14,9% tổng công suất toàn hệ thống phát điện quốc gia vào năm 2030 và là một trong các nguồn giúp đảm bảo cung cấp đủ, ổn định và an toàn hệ thống điện quốc gia.
Nhận thức sâu sắc vai trò, tầm quan trọng của LNG, PV GAS đã tiên phong nhập khẩu LNG, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng của quốc gia cũng như thúc đẩy sự phát triển của các ngành công nghiệp trong nước. Chuyến tàu LNG lịch sử đầu tiên cập bến Thị Vải gây tiếng vang khắp thị trường năng lượng thế giới là minh chứng rõ ràng cho năng lực ấn tượng của PV GAS với vị thế doanh nghiệp chủ đạo hàng đầu của ngành công nghiệp khí Việt Nam.
Sắp tới đây, PV GAS tiếp tục đứng trước dấu mốc lịch sử: Sự kiện Khánh thành công trình trọng điểm quốc gia – Kho LNG 1 triệu tấn Thị Vải. Hệ thống Kho cảng LNG Thị Vải đã được xác nhận đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn, quy chuẩn trong nước và quốc tế, cũng như các yêu cầu về an toàn vận hành, hàng hải; được đánh giá cao bởi độ chi tiết, tính khả thi và chặt chẽ giữa các khâu hoạt động. Kho LNG Thị Vải sẽ bổ sung nguồn cung khí cấp cho các khách hàng tiêu thụ trong khu vực Đông Nam Bộ và bù đắp một phần cho lượng khí thiếu hụt trong nước từ năm 2024 trở đi.
Bên cạnh việc đầu tư xây dựng Kho LNG 1 MMTPA Thị Vải, PV GAS cũng đang đầu tư xây dựng kho cảng nhập khẩu LNG Sơn Mỹ với tổng công suất dự kiến khi hoàn thành lên đến 10 triệu tấn LNG/năm. Cơ sở hạ tầng LNG của PV GAS sẽ cơ bản đáp ứng nhu cầu năng lượng cho khu vực Nam Bộ trong tương lai.
PV GAS đang nỗ lực từng bước hiện thực hóa chuỗi kế hoạch chiến lược gồm: Kho LNG 1 MMTPA Thị Vải, dự án Kho cảng LNG Sơn Mỹ và dự án kho cảng LNG tương tự tại miền Bắc. Với sự đầu tư bài bản, kỹ lưỡng, chuỗi dự án kho cảng LNG này được kỳ vọng sẽ giúp PV GAS chứng tỏ năng lực đáp ứng thị trường, là đòn bẩy để đạt được các mục tiêu, giúp Việt Nam ghi dấu ấn trên thị trường khu vực và thế giới.