Ngày 2-5, tại xã Khánh An, huyện U Minh, tỉnh Cà Mau sẽ diễn ra Lễ khánh thành Nhà máy Xử lý Khí Cà Mau-một công trình chế biến sâu, nhằm gia tăng giá trị khí, tận dụng và sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia.
Dự án Nhà máy Xử lý khí Cà Mau do Tổng công ty Khí Việt Nam (PV Gas) làm chủ đầu tư là mảnh ghép cuối để hoàn thiện chuỗi dự án khí-điện-đạm tại Cụm công nghiệp Khí-điện-đạm Cà Mau. Nhà máy có công suất xử lý 6,2 triệu m3khí/ngày, cùng hệ thống kho có sức chứa 8.000 tấn LPG, 3.000m3 condensate và hệ thống cảng xuất sản phẩm. Nhà máy được xây dựng trên diện tích 34,6ha tại Cụm công nghiệp Khí-điện-đạm thuộc xã Khánh An, huyện U Minh, tỉnh Cà Mau. Tổng mức đầu tư của dự án hơn 10.000 tỷ đồng. Giá trị của gói thầu EPC khoảng 5.500 tỷ đồng. Sau khi hoàn thành, Nhà máy Khí Cà Mau sẽ cung cấp ra thị trường khoảng 600 tấn LPG/ngày, tương đương 200.000 tấn LPG/năm, cung cấp 35 tấn Condensate/ngày, tương đương 12.000 tấn Condensate/năm. Dự án nằm trong Quy hoạch phát triển ngành khí Việt Nam đến năm 2015 và định hướng đến năm 2025. Với tầm ảnh hưởng và quy mô của dự án, ngay từ đầu, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PetroVietnam) đã giao vai trò chủ đầu tư dự án cho PV Gas-đơn vị tiên phong của ngành công nghiệp khí, đủ năng lực và kinh nghiệm để triển khai và quản lý dự án quan trọng này.
Kỹ sư kiểm tra việc vận hành các thiết bị của nhà máy.
Liên danh nhà thầu Công ty POSCO Engineering (PEN) và Tổng Công ty CP Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PTSC) được lựa chọn thực hiện gói thầu EPC. Dự án sử dụng công nghệ Ortloff SCORE (công nghệ tách lỏng tiên tiến hàng đầu trên thế giới hiện nay của Công ty UOP thuộc Tập đoàn Honeywell-Hoa Kỳ) là công nghệ xử lý khí cho hiệu quả làm lạnh rất sâu, phù hợp để thu hồi Propan và các hydrocacbon nặng từ khí tự nhiên. Hơn nữa công nghệ này còn đem lại hiệu suất thu hồi LPG cao hơn so với các dự án tương tự, chất lượng sản phẩm phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế, bảo đảm an toàn và bảo vệ môi trường.
Trong thời gian khoảng 2 năm, chủ đầu tư PV Gas cùng liên danh nhà thầu đã triển khai theo tiến độ một khối lượng công việc rất lớn gồm: Khảo sát phục vụ thiết kế, thiết kế kỹ thuật FEED, thiết kế kỹ thuật thi công, mua sắm thiết bị, gia công chế tạo, lắp đặt và xây dựng công trình, chạy thử công trình… với công nghệ tiên tiến, nhiều hạng mục thiết bị siêu trường siêu trọng, nhiều hạng mục bình bồn áp lực cao, điều kiện làm việc khó khăn cả ở trên cao, dưới nước và trong không gian hạn chế với yêu cầu kỹ thuật thi công, lắp đặt phức tạp. Bên cạnh đó, yêu cầu về an toàn là đặc biệt nghiêm ngặt do phải đấu nối với các công trình khí và công trình sử dụng khí đang hoạt động.
Ông Dương Mạnh Sơn, Tổng giám đốc PV Gas khẳng định, Nhà máy Xử lý khí Cà Mau đi vào vận hành là thành quả của hơn 700 ngày nỗ lực với hơn 3,2 triệu giờ làm việc an toàn của toàn thể kỹ sư, cán bộ, người lao động PV Gas và liên danh nhà thầu ngày đêm cống hiến tâm huyết, mồ hôi và công sức của mình vì sự phát triển của PV Gas nói riêng, của PetroVietnam nói chung. Nhà máy Xử lý khí Cà Mau được hoàn thành và đưa vào hoạt động sẽ giúp tổng công ty thực hiện đúng mục tiêu chiến lược: Đóng vai trò chủ đạo trong ngành công nghiệp khí Việt Nam và phát triển ra thị trường quốc tế; thực hiện chế biến sâu, nhằm gia tăng giá trị khí từ Cụm mỏ PM3-CAA; góp phần giải quyết tình trạng thiếu hụt LPG tại thị trường Việt Nam, giảm lượng LPG phải nhập khẩu hằng năm; đóng góp thêm cho ngân sách địa phương.
Như vậy, Nhà máy Xử lý khí Cà Mau-mảnh ghép cuối cùng đã hoàn chỉnh Cụm công nghiệp Khí-điện-đạm Cà Mau. Cùng với các hạng mục công trình chính hoàn thành trước đó là hệ thống đường ống dẫn khí PM3-Cà Mau, 2 nhà máy điện chạy khí với tổng công suất 1.500MW, 1 nhà máy sản xuất đạm với công suất 800.000 tấn/năm cung cấp cho thị trường Tây Nam Bộ và xuất khẩu… Cụm công nghiệp Khí-điện-đạm Cà Mau đã đóng góp hằng năm hơn 50% ngân sách cho tỉnh Cà Mau, góp phần thay đổi diện mạo, đời sống nhân dân, tạo động lực tăng trưởng, phát triển kinh tế-xã hội của vùng Đồng bằng sông Cửu Long .