Ngày 15/4/2022, tại TP HCM, Tổng công ty Khí Việt Nam – CTCP (PV GAS) đã tổ chức cuộc họp Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2022 để tổng kết tình hình thực hiện kế hoạch năm 2021, thảo luận và tiến hành biểu quyết đối với kế hoạch năm 2022 và các nội dung quan trọng khác thuộc thẩm quyền quyết định của ĐHĐCĐ.
Đại hội được tổ chức đảm bảo thực hiện tốt các yêu cầu của công tác phòng chống dịch bệnh: thực hiện khai báo y tế, sát khuẩn, giữ khoảng cách khi ngồi họp…
Tham dự Đại hội, về phía Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) có ông Lê Mạnh Hùng – Thành viên Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc Tập đoàn; ông Phạm Xuân Cảnh – Thành viên Hội đồng thành viên; cùng đại diện các Ban của Tập đoàn.
Lãnh đạo PV GAS (PetroVietnam Gas) điều hành Đại hội gồm: Ông Dương Mạnh Sơn – Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT); ông Hoàng Văn Quang – Thành viên HĐQT, Tổng Giám đốc và bà Võ Thị Thanh Ngọc – Thành viên HĐQT Tổng công ty. Tham gia cuộc họp còn có các Thành viên HĐQT, Ban Tổng Giám đốc, Ban Kiểm soát (BKS), đại diện lãnh đạo các Ban, đơn vị trực thuộc và thành viên PV GAS. Số lượng cổ đông hoặc người đại diện cổ đông tham dự tương ứng với hơn 1.863.936.840 cổ phần sở hữu hoặc đại diện, chiếm 97,39% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết của PV GAS.
Tại Đại hội, PV GAS đã trình ĐHĐCĐ thảo luận và thông qua các tờ trình, bao gồm: Báo cáo kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2021, Báo cáo tài chính năm 2021 đã được kiểm toán, Phương án phân phối lợi nhuận năm 2021, Kế hoạch sản xuất kinh doanh và phân phối lợi nhuận năm 2022; Báo cáo hoạt động của HĐQT năm 2021, phương hướng hoạt động năm 2022; Báo cáo hoạt động của Ban Kiểm soát (BKS) năm 2021, phương hướng hoạt động năm 2022, Đề xuất lựa chọn đơn vị kiểm toán độc lập năm 2022; Báo cáo thực hiện tiền lương, thu nhập năm 2021 và kế hoạch tiền lương, thu nhập năm 2022 của HĐQT và BKS; Đề xuất sửa đổi, bổ sung Điều lệ.
Báo cáo với cổ đông tại Đại hội, lãnh đạo PV GAS cho biết: Năm 2021 mặc dù giá dầu, giá CP tăng so với giá kế hoạch nhưng cùng với đó hoạt động SXKD của PV GAS phải đối mặt với những khó khăn chưa từng có, đặc biệt là dịch bệnh Covid-19 trong nước bùng phát lần thứ 4 từ cuối tháng 4/2021, diễn biến phức tạp và kéo dài làm nhu cầu khí dùng cho sản xuất điện và công nghiệp giảm đáng kể (huy động khí của EVN chỉ bằng 69% kế hoạch, bằng 76% so với năm 2020; nhu cầu tiêu thụ khí của các hộ công nghiệp có thời điểm giảm 25-30%, tiêu thụ LPG trong nước giảm 35-40%), làm ảnh hưởng lớn đến hoạt động SXKD và đầu tư tại PV GAS; các sự cố thượng nguồn ngày một tăng; cơ chế chính sách phát triển liên quan đến ngành khí chưa được sửa đổi, ban hành phù hợp với tình hình mới,…
Mặc dù gặp nhiều bất lợi nhưng với phương châm “Đoàn kết – Đổi mới – Chuyên nghiệp – Hành động”, Ban Lãnh đạo PV GAS đã cùng toàn thể CBCNV luôn đoàn kết, đổi mới trong suy nghĩ và chuyên nghiệp trong hành động, tận dụng tốt các cơ hội, triển khai quyết liệt đồng bộ và hiệu quả 07 nhóm giải pháp (gồm Sản xuất – thị trường – kinh doanh; Đầu tư và tài chính; Cơ chế chính sách; Tổ chức, quản lý và công tác cán bộ; Hợp tác, hội nhập quốc tế; Đào tạo và khoa học công nghệ; An toàn, sức khoẻ và môi trường), trong đó tập trung 03 nhóm giải pháp cốt lõi, đột phá (con người/công tác cán bộ; thị trường và cơ chế chính sách), cùng với sự ủng hộ tích cực và giám sát chặt chẽ của ĐHĐCĐ,… PV GAS đã thực hiện thành công nhiệm vụ, chỉ tiêu kế hoạch mà Nghị quyết Đại hội đã thông qua.
Trong năm 2021, tất cả hệ thống/công trình khí của PV GAS vận hành an toàn và hiệu quả, cấp khí liên tục; duy trì các biện pháp phòng, chống và kiểm soát dịch Covid-19 hiệu quả, phù hợp với quy định và tình hình mới. Đặc biệt, PV GAS đã đưa vào vận hành thành công Tàu kho nổi chứa LPG lạnh tại Thái Bình từ tháng 7/2021. Sản xuất và kinh doanh trên 2 triệu tấn LPG về đích trước kế hoạch 2 tháng, là năm có sản lượng kinh doanh LPG cao nhất kể từ khi thành lập PV GAS. PV GAS tiếp tục duy trì cung cấp khí ổn định để sản xuất gần 15% sản lượng điện, 70% đạm, đáp ứng gần 70% thị phần LPG cả nước.
Tất cả các chỉ tiêu tài chính năm 2021 hoàn thành vượt mức kế hoạch từ 14-79% và tăng so với năm 2020 (doanh thu trên 80 nghìn tỷ đồng, là năm đạt doanh thu lớn nhất kể từ khi thành lập PV GAS, lợi nhuận trước thuế hơn 11 nghìn tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế gần 9 nghìn tỷ đồng, đóng góp vào ngân sách Nhà nước trên 6 nghìn tỷ đồng), Top đầu đơn vị có các chỉ số tài chính khả quan trong PVN (ROE đạt 17 %, ROA đạt 11 %), Top đầu những đơn vị có vốn hóa lớn trên thị trường (tổng tài sản gần 79 nghìn tỷ đồng), có tỷ lệ chia cổ tức duy trì hàng năm bằng tiền mặt cao.
Mặc dù gặp nhiều khó khăn trong triển khai các dự án do thời gian giãn cách xã hội kéo dài và áp dụng các quy định phòng chống dịch bệnh Covid -19, tuy nhiên năm 2021 các dự án của PV GAS tiếp tục được triển khai tích cực. PV GAS đã chủ động triển khai nhiều giải pháp đột phá, hiệu quả để bù/hạn chế/giảm thiểu tối đa ảnh hưởng của dịch Covid-19 đến tiến độ của các dự án, tập trung vào các dự án lớn: Dự án kho chứa LNG 1 MMTPA tại Thị Vải; Dự án đường ống dẫn khí LNG Thị Vải – Phú Mỹ; Dự án trạm nạp xe bồn LNG tại Thị Vải; Dự án mở rộng, nâng công suất kho chứa LNG Thị Vải lên 3 triệu tấn/năm; Dự án bồn chứa LPG Thị Vải; Dự án đường ống thu gom, vận chuyển khí mỏ Sư Tử Trắng;… ; hoàn thành thanh quyết toán 02 dự án/hạng mục công trình. Tổng giá trị giải ngân cho công tác đầu tư xây dựng Công ty mẹ đạt 4.773 tỷ đồng, bằng 76% kế hoạch năm (nếu chỉ tính dự án do PV GAS trực tiếp thực hiện/điều hành tức không bao gồm dự án đường ống khí Lô B-Ô Môn thì PV GAS giải ngân vốn đầu tư đạt 112% kế hoạch); toàn PV GAS đạt 5.288 tỷ đồng.
PV GAS lần thứ 9 liên tiếp nhận vinh danh Top 50 công ty niêm yết tốt nhất Việt Nam do Forbes bình chọn; nhiều năm liên tiếp đứng trong Top danh sách 1.000 doanh nghiệp nộp thuế thu nhập lớn nhất Việt Nam; Top 20 trong 500 doanh nghiệp lợi nhuận tốt nhất Việt Nam, Top doanh nghiệp vốn hóa lớn nhất thị trường; Top 50 công ty kinh doanh hiệu quả nhất Việt Nam 2020-2021 và danh hiệu “Doanh nghiệp Tỷ đô” do Tạp chí Nhịp cầu Đầu tư bình chọn.
Trong năm 2022, kinh tế thế giới phải đối mặt với cú sốc cung cấp năng lượng lớn nhất từ trước đến nay do căng thẳng địa chính trị leo thang giữa Nga – Ukraine bùng nổ thành xung đột vũ trang và việc các cường quốc, các tổ chức lớn trên thế giới thực thi một loạt các biện pháp trừng phạt Nga sẽ kéo theo các biến động khác về kinh tế – xã hội; dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp, ảnh hưởng nhiều mặt hoạt động của PV GAS; việc triển khai các dự án đối mặt với nhiều khó khăn, phức tạp; cạnh tranh trên thị trường ngày càng quyết liệt;… Trước tình hình đó, PV GAS đã đưa ra các giải pháp ứng phó và đặt kế hoạch năm 2022 với: Tổng doanh thu 80.043 tỷ đồng; Lợi nhuận trước thuế 8.791 tỷ đồng; Lợi nhuận sau thuế 7.039 tỷ đồng; Nộp ngân sách Nhà nước 4.062 tỷ đồng. Cùng với đó, năm 2022, PV GAS dự kiến sẽ hoàn thành thi công, đưa vào vận hành Dự án Kho LNG 1 MMTPA tại Thị Vải và các dự án thành phần; Đẩy mạnh công tác tìm kiếm, phát triển thị trường tiêu thụ khí/LNG và sản phẩm khí trong và ngoài nước; Tăng cường tìm kiếm cơ hội đầu tư/đầu tư kho LNG/LPG tại khu vực phía Bắc;…
Đại hội cũng dành thời gian để các cổ đông và lãnh đạo PV GAS thảo luận, trao đổi, làm rõ các nội dung liên quan. Phần lớn các ý kiến xoay quanh chiến lược phát triển của PV GAS trong thời gian tới, kế hoạch nhập khẩu LNG, tiến độ các dự án đầu tư xây dựng, tình hình sản xuất kinh doanh năm 2022. Trong phần giải trình trước cổ đông, Ban lãnh đạo PV GAS đã khẳng định sẽ tiếp thu các ý kiến của các cổ đông, xây dựng và phát triển bền vững thương hiệu PV GAS, triển khai Chiến lược phát triển ngành công nghiệp khí trong nỗ lực đảm bảo hài hòa lợi ích của nhà nước và cổ đông.
ĐHĐCĐ đã thông qua tất cả các nội dung được trình tại Đại hội với tỷ lệ từ trên 99 đến 100%; Trong đó, thông qua phương án phân phối lợi nhuận với việc chia cổ tức bằng tiền mặt năm 2021 với tỷ lệ 30%/vốn điều lệ (3.000 đồng/cổ phiếu), tăng 5% so với kế hoạch; kế hoạch chia cổ tức tiền mặt năm 2022 với tỷ lệ 25%/vốn điều lệ (2.500 đồng/cổ phiếu).
Đại diện cổ đông lớn của PV GAS là Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, ông Lê Mạnh Hùng – Tổng Giám đốc PVN phát biểu ý kiến khẳng định Tập đoàn đánh giá cao những nỗ lực của PV GAS trong việc hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu sản xuất kinh doanh 2021. Tổng Giám đốc Lê Mạnh Hùng đã thông tin và phân tích sâu hơn cho Đại hội về những tác động cụ thể của tình hình chính trị thế giới và xu hướng chuyển dịch năng lượng đến hoạt động của PVN nói chung và PV GAS nói riêng trong năm 2022. Để hoàn thành kế hoạch năm 2022, Ông Lê Mạnh Hùng đề nghị PV GAS chú trọng vào các vấn đề sau: (i) tập trung nguồn lực vào lĩnh vực kinh doanh chính, quản trị danh mục đầu tư một cách linh hoạt, hiệu quả; (ii) đẩy mạnh công tác phát triển thị trường, đa dạng hóa sản phẩm, hướng tới thị trường quốc tế; (iii) thích ứng nhanh và kịp thời với xu hướng chuyển dịch năng lượng, tham gia hợp tác đầu tư vào các chuỗi giá trị; (iv) đẩy mạnh chiến lược chuyển đổi số đồng bộ với kế hoạch triển khai của Tập đoàn. Tập đoàn Dầu khí Việt Nam với vai trò là cổ đông lớn cam kết đồng hành cùng PV GAS để hỗ trợ, tạo điều kiện cho PV GAS hoàn thành tốt các mục tiêu đã đặt ra của mình.
Đây là năm thứ 32 trong hành trình phát triển của PV GAS và trên chặng đường sắp tới với nhiều khó khăn thử thách, PV GAS luôn vững tin rằng, với nền tảng về nhân lực, cơ sở vật chất, tài sản, tài chính, kinh nghiệm, thương hiệu…, PV GAS sẽ đủ tiềm lực để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ kế hoạch của năm 2022, góp phần thực hiện thành công kế hoạch 5 năm 2021-2025, khẳng định vị thế và thương hiệu của PV GAS tại thị trường trong nước và khu vực.
Đại hội đồng cổ đông thường niên PV GAS 2022 đã kết thúc trong không khí tin tưởng và hiểu biết, thể hiện niềm tin sâu sắc của các cổ đông vào những nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ trong giai đoạn tới, tiếp tục đưa PV GAS xứng đáng là cánh chim đầu đàn của ngành công nghiệp Khí Việt Nam.