Kho cảng PV GAS Vũng Tàu (Kho cảng Thị Vải – KCTV), là kho cảng chứa khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG), xăng nhẹ (condensate) lớn nhất Việt Nam, được quản lý và điều hành bởi Công ty Chế biến Khí Vũng Tàu (KVT) – đơn vị trực thuộc Tổng Công ty Khí Việt Nam (PV GAS). Trải qua chặng đường 20 năm hình thành và phát triển, Kho cảng PV GAS Vũng Tàu đã đạt được những kết quả rất đáng tự hào và hướng tới những cơ hội phát triển mới trong thời gian tới.
20 năm – từ không đến có
Kho cảng PV GAS Vũng Tàu (KCTV) nằm trên địa bàn xã Tân Phước, huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, tọa lạc bên bờ sông Thị Vải, khu vực cảng nước sâu với nhiều lợi thế về địa lý và tiềm năng kinh tế. Kho cảng được vận hành từ năm 2000, có nhiệm vụ chính là tàng chứa, xuất/nhập các sản phẩm LPG, condensate của Nhà máy Xử lý khí Dinh Cố; condensate của Nhà máy khí Nam Côn Sơn và nguồn LPG nhập khẩu cho các tàu và xe bồn, vận chuyển đến các hộ tiêu thụ. Đây là một mắt xích quan trọng trong dây chuyền khí Bạch Hổ và Nam Côn Sơn, cung cấp 60% sản lượng LPG tiêu thụ tại thị trường Việt Nam mỗi năm, góp phần duy trì thị phần kinh doanh LPG trong nước của PV GAS (PetroVietnam Gas), đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.
Những bước đầu tiên của KCTV là câu chuyện của thách thức và trưởng thành, song hành cùng dòng lịch sử của ngành công nghiệp Khí Việt Nam. Vào những năm cuối thập niên 1990, khu vực dọc bờ sông Cái Mép – Thị Vải của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu là vùng đất hoang vu, chằng chịt đầm lầy, sông ngòi; đường giao thông và hệ thống cơ sở hạ tầng rất hạn chế; nền tảng công nghiệp – cảng biển còn là con số không.
Anh Trần Huy Thực – nguyên Quản đốc KCTV chia sẻ: Lúc đầu đi vào xây dựng kho cảng, nhìn thấy xung quanh toàn là nước, sú, vẹt; đường vào là con đường đất rất mấp mô,… cảm giác mình đứng trước khó khăn rất lớn.
Ông Hoàng An – Phó phòng Đầu tư – Xây dựng KVT kể lại, vị trí công trường cách quốc lộ tầm 5km, không xa lắm so với thị trấn Phú Mỹ lúc bây giờ, nhưng lúc đó rất hoang vu, xung quanh chẳng có gì cả. Nhìn cảnh đước mênh mông rất đẹp nhưng lúc đó có cảm nhận như đoàn của mình tham gia vào một cuộc khai hoang mở đất.
Ngày 28/10/2000, chuyến tàu đầu tiên cập cảng tại KCTV; ngày 23/11/2000, KCTV bắt đầu vận hành; ngày 09/02/2001, Cục Hàng Hải Việt Nam ra Quyết định đưa Cảng Thị Vải vào hoạt động; và ngày 07/08/2001, Hội đồng nghiệm thu Nhà Nước đã ký biên bản nghiệm thu công trình, cho phép KCTV chính thức vận hành thương mại. Từ thời điểm đó, KCTV trở thành Kho cảng LPG đầu tiên và lớn nhất tại Việt Nam với sức chứa 7.200 tấn LPG định áp và 13.000 m3 condensate. Cùng với Nhà máy Xử lý Khí Dinh Cố, KCTV là mảnh ghép hoàn thiện cho cơ sở hạ tầng của ngành công nghiệp khí còn non trẻ tại Việt Nam.
Không chỉ việc đầu tư, xây dựng, việc vận hành kho cảng cũng không ít thách thức, đặc biệt công nghệ tàng trữ và vận chuyển khí là ngành công nghiệp mới mẻ, đặt ra nhiệm vụ hết sức khó khăn đối với các kỹ sư, công nhân tại KCTV lúc bấy giờ vì đa số họ là những người lần đầu tiếp cận với những công nghệ mới, hiện đại và nhiều rủi ro. Tuy nhiên, với tinh thần nhiệt huyết, nỗ lực học hỏi, khát khao chinh phục thử thách, không ngừng phấn đấu vượt qua mọi khó khăn, CBCNV kho cảng đã từng bước làm chủ công nghệ, tự tin vận hành công trình an toàn, hiệu quả.
Anh Nguyễn Hải Hưng – Trưởng phòng Tổ chức – Hành chính KVT kể lại: Vào khoảng 2012, tại kho cảng có thêm một dự án mới là kho LPG lạnh đầu tiên tại Việt Nam. Theo dự định ban đầu là sẽ thuê 2 chuyên gia nước ngoài vận hành tối thiểu trong 6 tháng để hỗ trợ. Tuy nhiên sau đó việc ký hợp đồng thuê chuyên gia gặp trở ngại. Nhóm vận hành của KVT chủ yếu tự học là chính, tham gia quá trình lắp đặt của nhà thầu, song song đấy anh em đọc tài liệu và biên soạn các quy trình. Phương án tự học rất hiệu quả. Đặc biệt thuận lợi là lý thuyết thì trên giấy nhưng thực tế có ngay bên ngoài công trường. Chỉ mất gần 3 tháng anh em đã có thể tự tin vận hành được các quy trình của kho LPG lạnh này và khoảng 6 tháng thì thành thục tất cả mà không cần sự hỗ trợ nào khác.
Theo dòng thời gian, quy mô công trình và phạm vi quản lý của KCTV không ngừng phát triển và đổi thay: Giai đoạn từ năm 2008 đến năm 2013, kho cảng tiếp nhận, vận hành tàu chứa LPG nổi đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam. Tháng 4/2009, KCTV bắt đầu vận hành trạm nạp xuất LPG cho xe bồn; và kể từ đây, KCTV trở thành đầu mối duy nhất của PV GAS thực hiện xuất bán LPG cho xe bồn từ Nhà máy Xử lý khí Dinh Cố ra thị trường.
Tháng 3/2010, tiếp nhận và vận hành Kho LPG Gò Dầu (Đồng Nai) nhằm làm đa dạng các chủng loại LPG cung cấp ra thị trường nội địa với sản phẩm LPG trộn giữa các nguồn của PV GAS và LPG từ Nhà máy Lọc dầu Dung Quất.
Đặc biệt, từ tháng 2/2013, KCTV đã hoàn thành nâng cấp công suất cầu cảng số 1 để có thể tiếp nhận tàu có trọng tải lên tới 60.000 tấn (trước đó, KCTV chỉ có thể tiếp nhận loại tàu với trọng tải đến 20.000 tấn). Cùng đồng bộ với bước tiến này, tại KCTV, PV GAS khánh thành và đưa vào vận hành Kho chứa LPG lạnh đầu tiên và công suất lớn nhất Việt Nam với sức chứa 60.000 tấn, có công nghệ tàng trữ khí tiên tiến, nhằm đáp ứng nhu cầu nhập LPG từ nguồn nhập khẩu. Đây là bước phát triển vượt bậc giúp sản lượng LPG luân chuyển thông qua KCTV đáp ứng tới 60% nhu cầu LPG trong nước, đồng thời mở ra cơ hội để PV GAS xuất khẩu LPG sang thị trường nhiều tiềm năng của nước láng giềng Campuchia và các nước Đông Nam Á khác.
Hiện nay, mỗi năm KCTV xuất nhập trung bình cho trên 1.000 chuyến tàu và khoảng 20.000 xe bồn; sản lượng hàng xuất/nhập qua kho cảng khoảng 1,5 triệu tấn/năm, đóng góp khoảng 60% nhu cầu LPG cho thị trường nội địa Việt Nam, thực hiện xuất 100% condensate của PV GAS và Rosneft/Bien Dong POC (khoảng 150.000 tấn/ năm). Việc khai thác KCTV một cách hiệu quả đã góp phần giúp nâng cao vị thế, khẳng định vị trí hàng đầu của PV GAS trên thị trường kinh doanh LPG tại Việt Nam.
Những con số trên cho thấy, việc đầu tư xây dựng và vận hành hiệu quả Kho cảng PV GAS Vũng Tàu đã góp phần quan trọng giúp PV GAS mở rộng thị trường, chủ động trong kinh doanh và nắm giữ thị phần để điều phối nguồn hàng có sức chứa lớn, tăng khả năng tồn trữ, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, nâng cao vị thế và khẳng định vị trí hàng đầu của PV GAS trên thị trường cung cấp LPG tại Việt Nam như định hướng phát triển mà Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã hoạch định.
Nhiều tiềm năng hướng đến tương lai
Trên cơ sở hạ tầng sẵn có và với vị trí cảng chiến lược trong tuyến luồng Vũng Tàu Cái Mép – Thị Vải, Kho cảng PV GAS Vũng Tàu tiếp tục được chọn là nơi triển khai xây dựng Kho LNG đầu tiên của PV GAS có công suất của giai đoạn 1 là 1 triệu tấn/năm được khởi công vào ngày 28/10/2019, dự kiến vận hành vào Quý II năm 2022, sau đó mở rộng lên 3-6 triệu tấn/năm (dự kiến từ năm 2024 – 2025). Công tác đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng, chuẩn bị nhập khẩu và phát triển LNG đang được PV GAS triển khai tích cực, nhằm nhanh chóng nhập khẩu LNG, thúc đẩy thực hiện giải pháp quan trọng trong Chiến lược năng lượng quốc gia, đáp ứng nhu cầu năng lượng cho phát triển kinh tế – xã hội đất nước trong giai đoạn mới, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia và phù hợp với xu hướng chuyển dịch năng lượng quốc tế. Cùng với đó là các dự án bồn chứa LPG dự kiến khởi công trong năm 2022, các dự án nâng công suất cầu cảng và nâng cấp hạ tầng để đẩy mạnh phát triển dịch vụ cảng trong các năm tới…
Ông Phạm Nguyễn Quốc Cường – Quản đốc KCTV nhận định, kho cảng có tiềm năng rất lớn đặc biệt trong giai đoạn 5 năm tới, nhờ một số lợi thế nổi bật như: Là tổng kho LPG lớn nhất cả nước; sở hữu một hệ thống cảng biển nước sâu rất đặc biệt; cũng sẽ là nơi được tiếp nhận, quản lý và vận hành công trình kho cảng LNG đầu tiên của PV GAS cũng như của Việt Nam. Bên cạnh đó, KCTV có một vị trí rất đặc biệt tại khu vực tỉnh BR-VT, nằm lân cận ngay các khu công nghiệp lớn của tỉnh như Phú Mỹ 1, Phú Mỹ 2, Phú Mỹ 3 và khu công nghiệp Cái Mép. Đó cũng là điều kiện thuận lợi để sau này kho cảng có thể phát triển dịch vụ cảng rất mạnh. Với những tiềm năng lớn như thế, KCTV có rất nhiều cơ hội để phát triển trong thời gian tới.
Cùng với sự phát triển lớn mạnh của kho cảng là những sự thay đổi rõ rệt của môi trường làm việc theo hướng hiện đại, chuyên nghiệp, thân thiện và ngày càng khang trang; hệ thống, cách thức quản trị khoa học, tiên tiến, hiệu quả cũng như đội ngũ có năng lực và kinh nghiệm được đào tạo bài bản hơn; VHDN KVT với 3 giá trị cốt lõi “ Kết nối – Văn minh – Trách nhiệm” đã đi vào thực tế tại KCTV,…, góp phần năng cao hiệu quả, củng cố những lợi thế, sức cạnh tranh của kho cảng.
Ông Trần Nhật Huy – Giám đốc KVT bày tỏ: “Đối với chúng tôi, KVT – KCTV luôn mang trọng trách của hiện tại, trước các thế hệ đã cống hiến và tạo dựng thành quả to lớn. Tôi hi vọng rằng trong độ tuổi 20, KCTV sẽ thể hiện mình như những chàng trai đầy sức trẻ và nhiệt huyết. Trong bối cảnh năng lượng đầy cạnh tranh, chúng tôi dù tự hào về quá khứ nhưng không quên những khó khăn trước mắt. Tập thể NLĐ KVT sẽ tiếp tục cố gắng, không ngừng đổi mới, thích nghi để phát triển KVT và KCTV ngày càng lớn mạnh hơn”.
Quá khứ – Hiện tại – Tương lai, tiếp nối những hoài bão, nhiều và nhiều các dự án khác nữa đang tiếp tục chắp cánh ước mơ cho KCTV – Đó là niềm tin và hy vọng của những thế hệ tiếp theo! Những người lao động của KVT – PV GAS có cơ hội viết thêm các thành tựu hôm nay và ngày mai. Ở độ tuổi 20 trẻ trung, KCTV sẽ ngày càng mạnh mẽ, năng động và phát triển hơn nữa, luôn xứng đáng là công trình khí quan trọng bậc nhất của Tổng Công ty Khí Việt Nam.