Vừa qua, Tổng công ty Khí Việt Nam (PV GAS) đã phối hợp với Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia (NLDC) tổ chức Hội thảo công tác phối hợp điều độ Khí – Điện.
Đoàn đại biểu NLDC do ông Nguyễn Đức Ninh – Giám đốc dẫn đầu cùng Lãnh đạo và chuyên viên của các Phòng chuyên môn.
Đoàn đại biểu của PetroVietnam Gas do Ông Trần Nhật Huy – Phó Tổng Giám đốc dẫn đầu cùng Lãnh đạo và chuyên viên của các Ban chuyên môn, các đơn vị thành viên tham gia Hội thảo.
Phát biểu khai mạc, ông Trần Nhật Huy cho rằng Hội thảo là dịp để hai bên rà soát lại tình hình vận hành hệ thống Khí – Điện năm 2023, cập nhật thông tin về cung cầu khí cho sản xuất điện và tìm kiếm cơ hội cung cấp LNG tái hóa cho các nhà máy điện trong năm 2024 và các năm tiếp theo.
Tại buổi Hội thảo, ông Phạm Quỳnh – Quyền Trưởng phòng Phương thức đại diện phía NLDC trình bày tham luận về tình hình huy động khí cho sản xuất điện năm 2023, dự báo kế hoạch huy động khí để sản xuất điện năm 2024 cũng như phân tích các nguyên nhân dẫn đến sự thay đổi về xu hướng sử dụng khí cho sản xuất điện trong tương lai.
Ông Nguyễn Vỹ – Trưởng Trung tâm Điều độ khí đại diện phía PV GAS trình bày tham luận về công tác vận hành hệ thống khí năm 2023, dự báo về sản lượng khí có thể cấp cho sản xuất điện năm 2024 và các năm tiếp theo cũng như cung cấp các thông tin sơ bộ liên quan đến thủ tục mua LNG, thời gian từ khi lên kế hoạch đến khi sẵn sàng cấp LNG cho các nhà máy điện.
Các đại biểu tập trung rà soát, đánh giá công tác vận hành, tình hình cấp khí cho sản xuất điện năm 2023, phân tích các bài học kinh nghiệm, các khó khăn vướng mắc để tăng tính hiệu quả và an toàn trong vận hành hệ thống Khí – Điện trong thời gian tới. Hội thảo cũng thảo luận về tình hình biến động của thị trường nhiên liệu sơ cấp trên toàn thế giới, với giá than được dự báo giảm mạnh trong năm 2024 (khoảng 40 – 50% so với năm 2023), trong khi đó giá dầu HSFO dự kiến tăng khoảng 32% trong năm 2024 so với năm 2023. Với dự báo này dự kiến điện khí sẽ đối mặt với sự cạnh tranh mạnh mẽ từ nguồn điện than trong năm 2024.
Tuy nhiên, bên cạnh thách thức bị cạnh tranh về giá, các đại biểu cũng ghi nhận ưu điểm của điện khí trong việc vận hành hệ thống điện như tính linh động, có thể thay đổi sản lượng với độ dao động lớn trong ngày nên được huy động như một nhân tố quan trọng để ổn định hệ thống đảm bảo an ninh năng lượng nhất là khi nguồn điện từ năng lượng tái tạo của Việt Nam chiếm tỷ trọng lớn nhưng không ổn định. Ngoài ra, việc sử dụng nhiên liệu khí nói chung và LNG tái hóa nói riêng cũng đem lại nhiều lợi ích về môi trường so với các nguồn nhiên liệu khác như than hay dầu DO, FO.
Phát biểu tại Hội thảo, ông Nguyễn Đức Ninh cho rằng trong thời gian tới tuy nguồn điện khí phải đối mặt với sự cạnh tranh mạnh mẽ về giá của nguồn điện than, nhưng trong giai đoạn mùa khô, nhu cầu khí cho sản xuất điện trong các giờ cao điểm vẫn rất cao. Vì vậy, ông bày tỏ mong muốn PV GAS chuẩn bị nguồn LNG dự phòng trong giai đoạn mùa khô năm 2024 để bổ sung nguồn khí cấp cho các nhà máy điện trong các giai đoạn thiếu khí cục bộ hoặc dự phòng tình huống sự cố của hệ thống cấp khí.
Kết thúc hội thảo hai bên thống nhất sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ để đảm bảo an toàn hiệu quả công tác cấp khí cho sản xuất điện. Các bên sẽ tiếp tục trao đổi nhằm sớm hoàn thiện các thủ tục để đưa khí LNG nhập khẩu vào đường ống, cung cấp cho các nhà máy điện.